Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền
Ngày cập nhật 16/05/2019

50 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Di chúc của Người tiếp tục soi sáng việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhằm xây dựng “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

DI CHÚC LÀ CÔNG TRÌNH LÝ LUẬN VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG CẦM QUYỀN 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại, trước khi đi xa đã để lại cho dân tộc ta một văn kiện lịch sử đặc biệt, một bảo vật quốc gia, di sản vô cùng quý giá, đó là Di chúc của Người.

Bao trùm và xuyên suốt toàn bộ Di chúc là hai chữ Đảng và Nhân dân; là mối quan tâm sâu sắc, những trăn trở nhất trong suốt cuộc đời một người luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân khi biết mình sắp phải đi xa. Những lời căn dặn trong Di chúc không chỉ là tâm tư, tình cảm của Hồ Chí Minh mà còn là những chỉ dẫn có giá trị lâu dài đối với nhiều thế hệ cách mạng không ngừng rèn luyện, đấu tranh, kết hợp tốt hai nhiệm vụ xây và chống trong Đảng, tự đổi mới và chỉnh đốn, ngày càng xứng đáng với vai trò to lớn mà lịch sử và nhân dân đã giao phó.

Di chúc chỉ có 1.431 chữ nhưng gồm 5 nội dung chính; trong đó, Hồ Chí Minh đã cân nhắc và dành để viết “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG” với 108 chữ. Người nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, đây là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Người khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền” và để làm tròn nhiệm vụ của một Đảng cách mạng, tiền phong, đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn trong sạch, vững mạnh. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân; phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và Điều lệ Đảng; xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; chú trọng xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài; thường xuyên chỉnh đốn và đổi mới Đảng, chăm lo bồi dưỡng lực lượng kế cận…

Do đó, để năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao xứng tầm với các yêu cầu, nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc giao phó, Di chúc đã tập trung nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng.

Tiến hành cách mạng Việt Nam là thực hiện một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, đòi hỏi phải có sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ kế cận vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đồng thời, cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời cách mạng thế giới, sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế, vì thế, căn dặn của Người “về phong trào cộng sản thế giới” là những định hướng quan trọng cho hoạt động đối ngoại của Đảng trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

DI CHÚC CHỈ DẪN VỀ NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Thực hiện Di chúc của Người, nửa thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặc biệt quan tâm, tập trung thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt. Nét nổi bật trong công tác xây dựng Đảng là Đảng chú trọng đến việc củng cố, giữ vững và phát huy sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; nghiêm túc thực hiện và phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ; các tổ chức cơ sở đảng được chăm lo xây dựng trong sạch, vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngày một nâng cao. Đặc biệt chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chú trọng tới việc xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tiếp đó, với thái độ nghiêm túc và quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nhận diện đúng và lần đầu tiên chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xem xét, đối chiếu những biểu hiện cụ thể này hoàn toàn thuộc về tư cách, đạo đức cách mạng đã được Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc.

Từ chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, việc nhận diện và chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm để mau chóng sửa chữa làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn” là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra mục tiêu, quan điểm và đặc biệt lựa chọn 4 nhóm nhiệm vụ với 29 giải pháp hết sức cụ thể để đấu tranh ngăn chặn, khắc phục những khuyết điểm, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Cùng với đó, Đảng còn ban hành Quy định số 08- QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tài sản vô giá, tiếp tục soi sáng việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tài sản vô giá, tiếp tục soi sáng việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

Quán triệt và thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, cùng với trách nhiệm nêu gương, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu phải dành thời gian suy ngẫm về những điều chỉ dẫn trong Di chúc của Người. Từ đó, tự đối chiếu với tiêu chuẩn, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên; nghiêm túc tìm ra những biểu hiện suy thoái để tự mình tích cực sửa chữa và khắc phục. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng chính là làm theo những chỉ dẫn của Người nêu ra trong Di chúc, để thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Để nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Người, các tổ chức Đảng, trước hết là các cấp ủy, người đứng đầu tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đây là công việc thường xuyên, nền nếp, nhu cầu tự thân của mọi tổ chức Đảng, của mọi cán bộ, đảng viên, của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị. Quá trình đó phải luôn gắn chặt với phòng và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái “lợi ích nhóm” và tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo... Đồng thời, tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên; nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thường xuyên thực hiện nghiêm ngặt cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hai là, tăng cường cuộc đấu tranh phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bởi do nó mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành... xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh… không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ... mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(2). Do chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ, đảng viên phạm nhiều sai lầm, dẫn đến suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng phức tạp, làm suy yếu sức mạnh của tổ chức Đảng và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên; ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; gây thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Người nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; trong Đảng phải “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phảỉ có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, hết lòng phục vụ nhân dân, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(1).

Do đó, quán triệt và làm theo những chỉ dẫn của Người về nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đòi hỏi toàn Đảng và mỗi đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền phải “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc…”(3). Đồng thời, phải đẩy mạnh đấu tranh nhằm “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nêu cao tính tổ chức và tính kỷ luật, ngăn ngừa và kiên quyết chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Ba là, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng như Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc năm xưa và Nghị quyết Trung 4 khoá XII đã chỉ ra hiện nay, để giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận ra những khuyết điểm, sửa chữa và khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng và chống chủ nghĩa cá nhân; ngăn ngừa những biểu hiện mới xâm lấn, đẩy lùi và đi tới xóa bỏ những biểu hiện suy thoái đang tồn tại hiện nay. Thực hiện và phát huy dân chủ trộng rãi gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, với tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày” để mỗi người cùng tiến bộ, để khối đoàn kết thống nhất trong Đảng được tăng cường. Thông qua đó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Nửa thế kỷ qua, Di chúc của Hồ Chí Minh luôn đồng hành với Đảng, với nhân dân, soi sáng cho cách mạng Việt Nam trên hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử ấy, dưới ánh sáng của Di chúc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đặc biệt là chăm lo, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, để họ thật sự xứng đáng là “người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn tiên phong, gương mẫu, lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và hiện nay là đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, việc nhận diện và chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm để mau chóng sửa chữa làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn” là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Thành tựu của công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội hôm nay là minh chứng hùng hồn khẳng định tính chân lý về con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc; đã và đang từng bước hoàn thành ước nguyện cuối cùng trong Di chúc của Người về khát vọng xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu./.

PGS. TS. NGUYỄN XUÂN TÚ

 

http://tuyengiao.vn/

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày