Thắng lợi đó đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc kẻ thù phải ký Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương; đồng thời là kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do; vì “bình đẳng, bác ái,” là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.
Điện Biên Phủ - Nơi hội tụ của tinh thần yêu nước
Chiều 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: TTXVN)
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi lớn nhất của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, quân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16.000 quân địch. Thắng lợi của ta tại Điện Biên Phủ đã làm phá sản kế hoạch Nava, đồng thời làm thất bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Đông Dương.
Thắng lợi Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố mang ý nghĩa quyết định.
Trên cơ sở quán triệt và hiện thực hóa đường lối, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị-tinh thần giữ vai trò quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quy tụ, tập hợp, nhân lên sức mạnh của các lực lượng tham gia chiến dịch, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, để giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.
Để phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tập trung sức, tiến hành nhiều hoạt động công tác đảng, công tác chính trị.
Đặc biệt, qua bức thư Bác Hồ gửi đến động viên cán bộ, chiến sỹ toàn mặt trận trước giờ nổ súng: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh huấn chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới...”
Những biện pháp công tác đảng, công tác chính trị và bức thư động viên của Bác Hồ đã làm cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thấu triệt sâu sắc ý nghĩa của chiến dịch, ra sức xây dựng và nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, giành thắng lợi.
Kể từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, chưa bao giờ quân và dân ta phải đứng trước nhiệm vụ nặng nề như trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Quân Pháp tại Điện Biên Phủ là lực lượng phòng thủ mạnh, nên đòi hỏi chúng ta phải huy động lực lượng ra trận rất lớn và đem tinh thần anh dũng, sức chịu đựng gian khổ bền bỉ, khắc phục nhiều khó khăn, trở ngại hoàn thành nhiệm vụ.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, thông qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng sâu sắc và công tác tổ chức chặt chẽ, thống nhất, liên tục, cùng với kết quả trong cuộc chỉnh quân chính trị Hè năm 1953, “những tin vui” từ Đảng thực hiện triệt để giảm tô, cải cách ruộng đất, thực hiện “người cày có ruộng”... đã làm cho sức mạnh chính trị-tinh thần được nâng lên.
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào khu trung tâm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. (Ảnh: TTXVN)
Trong thời gian làm công tác chuẩn bị cho chiến dịch, nhân tố chính trị-tinh thần đã tạo ra sức mạnh lao động sáng tạo. Đặc biệt, khi ta thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc,” phải tăng thêm bộ đội, dân công, thời gian chiến dịch kéo dài, khối lượng bảo đảm vật chất cho chiến dịch phải tăng thêm hai đến ba lần.
Tuy nhiên, bộ đội cùng các lực lượng tham gia chiến dịch đã không lùi bước trước khó khăn: mở đường vận tải và xây dựng công sự, hầm, hào; kéo pháo vào trận địa rồi lại kéo pháo ra xuyên qua rừng núi hiểm trở để chuẩn bị lại công sự trận địa, nhưng “gan không núng, chí không mòn”...
Trong suốt quá trình chiến dịch, với sức mạnh của nhân tố chính trị-tinh thần, bộ đội ta đã thực hiện triệt để phương châm “đánh chắc, tiến chắc,” chiến đấu với tinh thần vô cùng dũng cảm.
Dưới mưa bom của không quân, trong lưới lửa của pháo binh địch, quân ta đã anh dũng xung phong, đánh chiếm đồi Him Lam, đồi Độc Lập, tiến công tiêu diệt địch trên những ngọn đồi phía Đông cứ điểm, phát triển trận địa, cắt đứt sân bay, đánh lui các trận phản kích, thắt chặt vòng vây quân địch...
Vừa chiến đấu vừa xây dựng trận địa tiến công, bao vây đánh lấn trên tất cả các hướng Đông-Bắc-Tây-Nam, với nỗ lực phi thường không kể ngày đêm, bộ đội ta đã sáng tạo nhiều phương pháp chiến đấu, tiêu biểu như phong trào bắn tỉa, đánh lấn tiêu diệt sinh lực địch, hạn chế sức mạnh hỏa lực địch, triệt dần tiếp tế bằng đường không, làm cho phạm vi chiếm đóng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng thu hẹp lại... khiến cho tinh thần, ý chí chiến đấu của quân Pháp sa sút nhanh chóng.
Báo chí phương Tây nhận xét: Với biện pháp vừa dũi đất và tự vệ có hiệu quả kỳ lạ, các vòi con bạch tuộc cứ vươn tới với tốc độ khủng khiếp. Do chọn được cách đánh thích hợp, đối phương (chỉ quân ta) đã tạo cho chiếc cuốc, chiếc xẻng của họ có một sức mạnh không kém xe tăng, máy bay của quân đội Pháp.
Suốt quá trình chiến dịch, các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã làm tốt công tác bảo đảm, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong lực lượng vận chuyển, có những nam thanh niên chở được hơn 300kg trên chiếc xe đạp thồ hay nữ dân công gánh được nửa tạ trên quãng đường hàng trăm km suốt 10 ngày đêm không ngủ. Nhiều gia đình cha mẹ, con gái, con dâu đều tham gia phục vụ chiến dịch.
Dù phải chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng chúng ta đã kết hợp giáo dục với đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện, tư tưởng dao động, lệch lạc. Sau những trận thắng giòn giã là tư tưởng chủ quan, khinh địch.
Sau đợt hai chiến dịch, bộ đội thương vong lớn, quân số các đơn vị thiếu hụt chưa kịp bổ sung, đạn dược còn rất ít, lương thực dự trữ còn lại không nhiều, khẩu phần của cơ quan và một số binh chủng phải rút xuống, trong lúc địch tăng cường đánh phá các tuyến vận chuyển của ta, những trận mưa đầu mùa đã bắt đầu, làm xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực, ngại hy sinh, ngại khó khăn gian khổ trong bộ đội và dân công...
Trước tình hình này, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triển khai ngay trước mặt trận một cuộc đấu tranh sâu rộng chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, phát huy tinh thần tích cực cách mạng và tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, nhằm bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chính trị, chỉ huy các cấp đã có những biện pháp tiến hành giáo dục, động viên tinh thần, tư tưởng, đi đôi với giải quyết khó khăn cho bộ đội, qua đó củng cố quyết tâm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sỹ, dân công tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách tiến lên giành thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. . (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nhân tố chính trị-tinh thần luôn được củng cố, tạo ra sức mạnh mới để quân ta tiếp tục phát triển trận địa tiến công, siết chặt vòng vây, bóp nghẹt dần quân địch, đánh chiếm sân bay, triệt hẳn nguồn tiếp tế của địch, gây cho địch thương vong ngày càng cao, khiến tinh thần cán binh địch suy sụp nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.
Có thể nói, Điện Biên Phủ chính là nơi hội tụ của tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; thể hiện sự giác ngộ cách mạng và ý thức chính trị rất cao trước nhiệm vụ trọng đại trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Đây cũng là cội nguồn sức mạnh to lớn để chúng ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Sức mạnh của nhân tố chính trị-tinh thần
Nhân tố chính trị-tinh thần trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được hun đúc và được phát huy lên một tầm cao mới trong cuộc đụng đầu với đế quốc xâm lược (1954-1975). Nhân tố này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, có ý nghĩa thực tiễn rất to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.”
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang có nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường.
Trong nước, sự nghiệp đổi mới tuy đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Tất cả đang tác động, cản trở không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong những điều kiện đó, cần tiếp tục coi trọng xây dựng, phát huy nhân tố chính trị-tinh thần để tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Để làm tốt nhiệm vụ này, trước hết toàn quân cần tập trung vào một số nội dung sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác chính trị tư tưởng.
Đi tới và làm nên chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, trong đó cấp ủy, tổ chức đảng giữ vai trò quan trọng cả trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hành Chiến dịch. Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
Muốn thế, trước hết phải thường xuyên chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao tự phê bình và phê bình, ban hành và chấp hành nghiêm các quy chế lãnh đạo trên các mặt công tác trọng yếu, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tổ chức đảng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong quá trình này, cấp ủy, tổ chức đảng phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ;” tích cực đấu tranh, ngăn chặn không để có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 29/7/2005, của Bộ Chính trị khóa IX, về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam,” bảo đảm cơ chế Đảng lãnh đạo Quân đội luôn vận hành thông suốt, hiệu quả.
Với vai trò hạt nhân lãnh đạo, Đảng bộ Quân đội thực sự là một khối thống nhất về ý chí và hành động, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Hết sức coi trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Hai là, thường xuyên đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ sức mạnh của nhân tố chính trị-tinh thần biểu hiện tập trung ở nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, ý chí chiến đấu, tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta. Điều đó có được là do chúng ta làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội.
Trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, định hướng và quản lý tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ.
Trước hết cần trang bị cho bộ đội những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ý thức cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; có nhận thức sâu sắc về tình hình nhiệm vụ, nhận rõ đối tượng, đối tác, âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, có niềm tin tuyệt đối vào đường lối, chủ trương, chính sách và sự lãnh đạo của Đảng, vào vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự và cách đánh Việt Nam; có tinh thần vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể... khắc phục những biểu hiện hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng vào vũ khí, trang bị và cách đánh của ta. Xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng, tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, tự lực, tự cường, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội...
Để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới,” quy chế giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ và các chỉ thị, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị đối với công tác này. Coi trọng giáo dục chính trị trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, văn hóa ứng xử, giao tiếp cho bộ đội, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc cả về tư tưởng, ý chí, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị sát với nhiệm vụ, đối tượng và đặc thù đơn vị; gắn lý luận với thực tiễn; gắn giáo dục chính trị sát với nhiệm vụ, đối tượng và đặc thù đơn vị; gắn giáo dục chính trị với giáo dục pháp luật, giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục của tổ chức với tự giáo dục, rèn luyện của mỗi quân nhân.
Cùng với đó, tăng cường công tác tư tưởng, thực hiện tốt các khâu, các bước trong nắm, quản lý và giải quyết tình hình tư tưởng, bảo đảm cho công tác này luôn đi trước một bước, giải quyết kịp thời những vướng mắc về tư tưởng của bộ đội trước sự tác động của các yếu tố tiêu cực, góp phần tạo sự ổn định, đồng thuận trong cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng môi trường văn hóa phong phú, trong sạch, lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn, tiêu cực từ bên ngoài thẩm thấu vào đơn vị; thường xuyên chăm lo bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội. Đồng thời, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đội ngũ cán bộ các cấp có vai trò quyết định đến kết quả thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề chiến lược, khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng, thiết thực góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.” Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc;” “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.”
Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 769-NQ/QUTW, ngày 21/12/2012, của Quân ủy Trung ương, “Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo.” Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, vững mạnh, có đủ số lượng, chất lượng cao, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, phong cách, tinh thông về nghiệp vụ, gương mẫu trong lời nói và việc làm; có đủ khả năng hoàn thành cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao; là hạt nhân đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, phải chủ động làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Quy định 646-QĐ/QUTW củaThường vụ Quân ủy Trung ương; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nói đi đôi với làm, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho chiến sỹ học tập, noi theo. Tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Bốn là, thường xuyên quan tâm chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, cũng như chính sách hậu phương quân đội. Việc bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cũng như chính cách hậu phương quân đội không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội, mà còn tạo động lực, củng cố niềm tin, tạo nền tảng chính trị-tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng tại ngũ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; thực hiện có hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” xây dựng “Nhà đồng đội”... Điều đó không chỉ góp phần động viên tinh thần, nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách, mà còn là động lực to lớn, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Chiến công lịch sử Điện Biên Phủ cách nay đã gần hai phần ba thế kỷ. Nhưng còn đó “âm vang” của một trong những “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Càng tự hào về chiến công Điện Biên Phủ năm xưa, chúng ta càng phải coi trọng việc nghiên cứu, tổng kết lý luận, tìm hiểu nguyên nhân thắng lợi và đúc rút những bài học lịch sử, bài học kinh nghiệm có giá trị vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Mặc dù hiện nay Quân đội được Đảng, Nhà nước đầu tư trang bị ngày càng hiện đại, nhưng càng hiện đại bao nhiêu thì càng phải quan tâm, chăm lo nhân tố chính trị-tinh thần bấy nhiêu, có như vậy mới phát huy được truyền thống dân tộc, mới xây dựng được một nền nghệ thuật quân sự mang màu sắc dân tộc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống./.
http://dangcongsan.vn