Lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong những ngày này, khi nhân dân cả nước được sống trong không khí sôi động, hào hùng kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2019) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2019) - mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thì trên mạng xã hội xuất hiện một số bài viết cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử một cách trắng trợn và lố bịch, phủ nhận giá trị của cuộc cách mạng vĩ đại, kết thúc hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, đưa người dân nô lệ, lầm than trở thành người chủ thực sự của đất nước. Với luận điệu hết sức phản động, tác giả các bài viết này cho rằng, thực chất Việt Minh đã cướp chính quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim, bởi Việt Nam đã độc lập từ ngày 11-3-1945, ngày mà vua Bảo Đại ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Giáp Thân (Hòa ước Patenôtre) năm 1884.
Vậy, đạo dụ của vua Bảo Đại và “nền độc lập của Việt Nam” mà Chính phủ Trần Trọng Kim có trong tay thực chất là gì?
Ngược dòng lịch sử, đêm 09-3-1945, Nhật đảo chính Pháp và nắm quyền trên toàn cõi Đông Dương. Do được phát xít Nhật đã hứa sẽ giúp để trao trả nền độc lập cho Việt Nam, ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại đã ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Giáp Thân ký với Pháp. Thực chất, với mưu đồ thành lập ra bộ máy thống trị để thiết lập nền cai trị lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, phát xít Nhật để có kế hoạch dựng lên một Chính phủ bù nhìn theo mô hình quân chủ lập hiến, trong đó, Trần Trọng Kim là Thủ tướng và Bảo Đại là vua. Vì phát xít Nhật là người “bảo trợ” nên mọi hoạt động của cái gọi là Chính phủ này đều phải được sự đồng ý của phát xít Nhật. Ngay cả danh sách nội các mà Trần Trọng Kim trình với Bảo Đại cũng phải được sự chấp thuận của Đại sứ Nhật Bản tại Huế. Nói cách khác, mọi quyền hành tại Việt Nam thời gian đó đều trong tay phát xít Nhật.
Trở lại với thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, khi cuộc đảo chính của Nhật nổ ra vào đêm 09-3-1945, Đảng ta không bị động trước thời cuộc mà trái lại, chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược sát, đúng để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã ra đời vào ngày 12-3-1945 với nhận định: Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, tuy vậy cũng đã tạo ra những tiền đề cần thiết thúc đẩy cuộc khởi nghĩa chóng tới.
Trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Ban Chấp hành Trung ương, ngoài việc xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước, đó là thời điểm quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật và thời điểm Nhật đầu hàng Đồng minh. Cũng chính vì dự kiến thời cơ thuận lợi đang đến gần mà Thường vụ Trung ương đã kịp thời triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ra nghị quyết thành lập Ủy ban quân sự miền Bắc Đông Dương, thống nhất lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, lập xưởng vũ khí, tích trữ lương thực, khẩn trương đón thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Khi trên chiến trường châu Âu, phát xít Đức đã hoàn toàn bại trận, tại châu Á, phát xít Nhật cũng đang ngắc ngoải thì Hội nghị Potsdam ra quyết định mở cuộc tiến công cuối cùng vào các đạo quân của Nhật Bản cho tới khi Nhật Bản chấm dứt mọi sự kháng cự. Ngày 15-8-1945, Nhật Bản chính thức tuyên bố “Chấp nhận bản Tuyên bố Potsdam để tránh đổ máu kéo dài”.
Ngày 19-8, trong khi Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật Bản và làm chủ Mãn Châu thì tại Hà Nội, cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Ngay sau đó, các địa phương trong cả nước lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong những ngày cuối tháng 8-1945. Ngày 02-9-1945, Nhật Bản chính thức ký các văn kiện chấp nhận đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, thì tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử, lãnh tụ Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhìn lại những sự kiện lịch sử trên, có thể thấy rõ, có hai điều kiện chủ quan đóng vai trò quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đó là quá trình chuẩn bị lâu dài của Đảng ta và việc dự đoán thời cơ rất đúng, trúng, để rồi sau đó chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Thực tế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã chuẩn bị “củi lửa” cho cuộc nổi dậy lịch sử từ năm 1939, chuẩn bị về đường lối, về căn cứ địa và con người, vũ khí.
Đến năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8, Đảng đã khẳng định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, khởi nghĩa vũ trang là một tất yếu. Như vậy, nếu coi sự thành công của Cách mạng Tháng Tám là “ăn may” trước một “khoảng trống quyền lực” thì quả là một cái nhìn sai lệch và xuyên tạc sự thật lịch sử. Càng sai lầm hơn khi cho rằng, thực chất Việt Minh cướp chính quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim, bởi Việt Nam đã độc lập từ ngày 11-3-1945, ngày mà Bảo Đại ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre.
Thực tế những gì diễn ra trong thời đoạn lịch sử tồn tại, mà Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, một sản phẩm trái mùa của lịch sử đã tự nó nói lên rằng, đó chỉ là một chính thể bị phát xít Nhật sai khiến về mọi mặt. Chỉ có cuộc Cách mạng Tháng Tám, và sau đó là Ngày Quốc khánh 02-9-1945 mới là một thắng lợi của chính nghĩa, đem lại độc lập, tự do thật sự cho nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Luận điệu cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng mà Việt Minh giành chính quyền từ Bảo Đại - Trần Trọng Kim rõ ràng là sự dã tâm muốn hạ thấp giá trị cuộc cách mạng của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng. Những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm độc và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá sự thật lịch sử của họ chắc chắn sẽ bị chính lịch sử nhấn chìm.
https://tinhuytthue.vn