Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2020)
Ngày cập nhật 18/03/2020

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ quân và dân Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng đã trải qua những chặng đường gay go, ác liệt, những mất mát hy sinh to lớn. Song với lòng trung thành vô hạn với Đảng và Bác Hồ kính yêu; Đảng bộ, quân và dân thành phố Huế đã quyết chí bền gan, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc, xứng đáng với danh hiệu truyền thống: “Huế - một pháo đài thép”, “Huế - tiến công nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, “Huế - Anh dũng lập công vì sự nghiệp giải phóng miền Nam” .

1. Chiến dịch mùa xuân năm 1975- Giải phóng Huế

 * Chiến dịch mùa xuân 1975 ở Thừa Thiên Huế chia làm 2 đợt:

- Đợt 1: từ 5/3 đến 14/3/1975.

Với quyết tâm thực hiện triệt để lời căn dặn của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”, chiến dịch Xuân Hè ở Trị Thiên Huế bắt đầu mở màn đợt 1 từ ngày 5 đến ngày 7/3/1975, các lực lượng của ta đã phối hợp đánh chặn xe địch trên đèo Hải Vân để cắt đứt tuyến giao thông Huế - Đà Nẵng, đánh sập cầu An Lỗ trên tuyến quốc lộ 1, cắt đứt sự chi viện của địch ra phía Bắc, đồng thời dùng pháo binh tấn công các mục tiêu ở Đồng Lâm. Cũng trong thời gian này, toàn bộ lực lượng của ta từ Phú Lộc đến Phong Điền, Quảng Điền đều đã bí mật triển khai kế hoạch ém quân về nông thôn, đồng bằng. Các cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, Thành uỷ đều về đồng bằng và các trọng điểm chiến dịch để giải quyết kịp thời những yêu cầu của chiến dịch, đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi. Tiếp sau các cuộc tiến công đồng loạt nổ ra từ ngày 5/3 trên chiến trường miền Nam và trên chiến trường Trị Thiên, bắt đầu từ ngày 8/3/1975, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nổi dậy khắp nơi từ Phú Lộc đến Phong Điền, bất ngờ đồng loạt tấn công địch. Cùng với những diễn biến nhanh chóng trên toàn cục, kết quả đợt 1 tiến công và nổi dậy đã làm cho địch ở Trị Thiên hoang mang, dao động mạnh và thời cơ mới đã xuất hiện.

- Đợt 2: Từ 21/3 đến 26/3/1975, quân ta tấn công theo 4 hướng: Tuyến phía Nam, tuyến phía Bắc, tuyến phía Tây - Bắc Huế và tuyến phía Tây.

Trên cơ sở “kế hoạch thời cơ”, quyết tâm và phương án tác chiến giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế  đã được chuẩn bị chu đáo, cụ thể, quân và dân toàn tỉnh tiến quân vào chiến dịch trên tinh thần quyết chiến quyết thắng. 5 giờ sáng ngày  21/3/1975, các lực lượng của Quân đoàn 2 đã đồng loạt nổ súng tiến công hệ thống phòng ngự của địch ở phía Nam, cắt đứt giao thông quốc lộ 1 Huế - Đà Nẵng, chính thức mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Đêm 24/3/ 1975, Thành ủy Huế quyết định phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang chiến đấu giải phóng thành phố.

10 giờ 30 phút ngày 25/3/ 1975, cờ giải phóng đã tung bay trên cột cờ Phu Văn Lâu, báo hiệu thành phố Huế được giải phóng.

Ngày 26/3/1975, tòan tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn được giải phóng.

Ngay sau khi giải phóng, Ủy ban nhân dân cách mạng kiêm quân quản thành phố Huế do Thiếu Tướng Lê Tự Đồng, Bí thư Khu ủy, Tư lệnh quân khu – làm Chủ tịch đã nhanh chóng tiếp quản thành phố và quản lý ổn định xã hội về mọi mặt.

2. Ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch giải phóng Huế.

Thành phố Huế là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, là thành phố lớn thứ 3 và là trung tâm chính trị, văn hóa lớn thứ hai của miền Nam nên có ảnh hưởng lớn về chính trị, quân sự lớn đối với toàn miền Nam cũng như trên bàn ngoại giao quốc tế. Huế còn là trung tâm chính trị đầu não của chính quyền Mỹ - ngụy ở Bắc trung phần; là lá chắn bảo vệ và ngăn chặn sự tiến công chi viện của quân và dân ta từ hậu phương lớn miền Bắc vào, là hậu cứ tiền phương của địch, nơi chỉ huy, tổ chức các cuộc hành quân càn quét, đánh phá ra chiến trường Trị Thiên và miền Bắc. Mỹ - Ngụy đã xác định, mất Huế đồng nghĩa với mất miền Trung, là nguy cơ lớn đối với miền Nam.

Thành phố Huế được giải phóng đã cổ vũ mạnh mẽ đối với quân và dân cả nước, có ảnh hưởng lớn về chính trị trên thế giới. Thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung được giải phóng là ta đã đập tan lá chắn chiến lược “ngăn chặn miền Bắc” của địch ở phía Bắc, phá tan kế họach “phòng ngự co cụm chiến lược mới” của chúng ở đồng bằng ven biển miền Trung sau khi đã thất bại nặng nề ở chiến trường Tây Nguyên – Buôn Ma Thuật, góp phần đẩy nhanh quân Ngụy vào vực thẳm hỗn lọan, sụp đổ về chiến lược, tư tưởng và tổ chức. Với thắng lợi đó, thành phố Huế và quân dân tòan tỉnh đã trở thành hậu phương trực tiếp chi viện và tạo đà tiến công mạnh mẽ về quân sự ở Đà Nẵng, đưa chiến dịch Huế - Đà Nẵng -  một trong ba chiến dịch lớn của quân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đến thắng lợi hòan tòan, góp phần vào sức mạnh tổng hợp của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hòan tòan miền Nam, thống nhất tổ quốc.

Chiến công to lớn của quân và dân thành phố Huế đã được Trung ương Đảng, Chính phủ gửi điện khen “Việc đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa về chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước ta nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước nghiêm trọng. Các đồng chí đã làm rạng rỡ truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân cả nước ta”

 

ST(https://huongtra.thuathienhue.gov.vn/)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.466.874
Truy cập hiện tại 126