Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Quyền và nghĩa vụ của cử tri
Ngày cập nhật 23/03/2021

Quyền bầu cử là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và Pháp luật quy định. Điều 27 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". 

 
 
 
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tại Điều 6 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". Vì thế, thông qua bầu cử nhân dân trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, bầu ra những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp. Do đó, bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân.
 
Về quyền của cử tri khi bầu cử, pháp luật quy định: trong thời gian lập danh sách cử tri, mọi công dân có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, mỗi công dân chỉ có quyền ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND ở nơi tạm trú hoặc đóng quân. 
 
Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký tạm trú xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Việc lập danh sách cử tri phải được niêm yết công khai tại trụ sở xã, phường, thị trấn và điểm bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi việc niêm yết để nhân dân kiểm tra danh sách cử tri. Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. 
 
​Trường hợp xảy ra sai sót trong danh sách cử tri thì trong thời hạn 30 ngày, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiểu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiểu nại biết kết quả giải quyết. Trường hợp không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì công dân có quyền khiếu nại lên Tòa án nhân dân theo pháp quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. 
 
Bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân.
 
Công dân còn có quyền tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách người ứng cử với các tổ chức bầu cử. Đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử ĐBQH, việc lập danh sách những người ứng cử ĐBQH được gửi đến Ban bầu cử ĐBQH, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử Quốc gia. Khi Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử đã giải quyết mà cử tri không thỏa mãn thì có quyền khiếu nại lên Hội đồng bầu cử Quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử Quốc gia là cơ quan quyết định cuối cùng. Đối với việc khiếu nại, tố cáo kiến nghị của công dân về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp nào thì được gửi tới ban bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại lên Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.
 
Quyền của cử tri theo quy định của pháp luật về bầu cử cũng quy định rõ trong việc bỏ phiếu bầu cử. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ ngưòi khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
 
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu" vào Thẻ cử tri.
 
Đồng thời, tại Điều 30 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Người thuộc các trường hợp nói trên, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Ngược lại, người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì UNBD cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri. Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24h, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu ĐBQH, ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri nơi cư trú cũ và được bổ sung vào danh sách cử tri nơi tạm trú mới để bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
 
Cùng với “quyền", pháp luật cũng quy định rõ “nghĩa vụ" của công dân. Quyền của công dân được bảo đảm bằng pháp luật khi công dân làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng pháp luật. Trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, cử tri phải có trách nhiệm tham gia giới thiệu người ra ứng cử. Cử tri nơi người ứng cử công tác và cư trú có trách nhiệm tham gia ý kiến nhận xét. Nghĩa vụ của cử tri được thể hiện rõ qua 3 lần tổ chức hội nghị hiệp thương, qua các lần tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử, qua các cuộc tiếp xúc tuyên truyền, vận động bầu cử của người ứng cử.
 
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp​ nhiệm kỳ 2021-2026 lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ. Vì vậy, mỗi cử tri cần phải sáng suốt lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp.
http://ttphuloc.thuathienhue.gov.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.464.311
Truy cập hiện tại 91