Nhằm chủ động, quyết liệt trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 14/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công văn số 1990 /UBND-YT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các nội dung như sau:
1. Các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn nguy cơ, phát hiện sớm, phân loại, khoanh vùng nhanh nhất, cách ly kịp thời, dập dịch triệt để, không để dịch bệnh lây lan, chăm lo bảo vệ sức khỏe, điều kiện sinh hoạt và không để lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang làm công tác phòng chống dịch, nhất là ở các khu vực cách ly tập trung.
- Quán triệt công tác bảo đảm hậu cần phòng chống dịch theo tinh thần 4 tại chỗ « Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ, nhân lực tại chỗ »
- Sở Y tế, các sở, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Bộ y tế, của tỉnh để thực hiện việc phân loại, cách ly theo đúng quy định
- Mỗi Trung tâm Y tế huyện phải có một khu cách ly tập trung tối thiếu 10 giường/đơn vị, đảm bảo cơ sở vật chất, hậu cần.
- Tất cả các đối tượng F1 phải được xét nghiệm Covid-19 và lập tờ khai y tế để theo dõi (tờ khai y tế phải có đầy đủ các yếu tố dịch tễ).
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, Công an tỉnh, các sở, ngành tiếp tục rà soát các đối tượng F1, F2 từ các tỉnh khác về Thừa Thiên Huế thăm người thân, đi du lịch... để tổ chức cách ly ngay theo quy định. Các ngành, địa phương phải chủ động trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin. Sở Y tế (Trung tâm kiểm soát bệnh tật), Công an khi có thông tin phải chuyển ngay cho Chủ tịch UBND cấp huyện để chỉ đạo xử lý.
Các sở, ban, ngành liên quan có nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh các giải pháp hỗ trợ các công nhân thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.
2. Các Thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, các ngành, địa phương phải chủ động quyết định công việc theo thẩm quyền; chủ động phối hợp trong xử lý các vấn đề cấp bách, liên quan; chỉ xin ý kiến những vấn đề vượt quá thẩm quyền theo quy định.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế:
- Chỉ đạo giám sát, nắm chắc tình hình dân cư phát sinh trên địa bàn (cả trường hợp trở về nhà và đến lưu trú trong dân cư), lượng khách lưu trú tăng thêm, báo cáo hàng ngày tình hình phát sinh các trường hợp F1, F2.
- Chủ tịch UBND, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố Huế tăng cường công tác giám sát tại cơ sở; hàng ngày, hàng giờ nắm được trên địa bàn mình có bao nhiêu người đến có yếu tố dịch tễ để phân loại, lập danh sách diện F1, F2 và thực hiện giám sát, quản lý, tránh bỏ sót đối tượng.
- Sử dụng ngân sách dự phòng để phòng chống dịch; tăng cường hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn; giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cộng đồng.
Các ngành, địa phương sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời và hiệu quả.
4. Giao Sở Y tế:
- Tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly y tế và giám sát chặt chẽ các đối tượng có yếu tố dịch tễ; tất cả các trường hợp F1 phải được xét nghiệm Covid-19.
- Có phương án, kịch bản chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các cấp chính quyền không để bị động, bất ngờ trước diễn biến của dịch bệnh. Luôn nắm chắc tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác khám, chữa bệnh thường xuyên của cơ sở y tế. Rà soát, đảm bảo kinh phí cho mua thuốc, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch Covid-19 (Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Y tế).
- Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế tư nhân, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của ngành y tế không để lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, xây dựng kịch bản phòng chống dịch phù hợp thực tế.
- Triển khai khai báo y tế đối với khách nhập cảnh tại cửa khẩu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Rà soát cơ sở vật chất phòng chống dịch; khẩn trương rà soát cơ sở vật chất của Bệnh viện Lao phổi, bệnh viện Phong - Da liễu để làm bệnh viện chuyên dùng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi cần thiết;
- Triển khai thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế. Huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa, kể cả y tế quân đội tham gia phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo các Trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Công trình và Môi trường Đô thị Huế có phương án thực hiện thu gom xử lý rác thải của các đối tượng cách ly y tế theo quy định.
- Các khu cách ly tập trung tại Trung tâm y tế địa phương phải luôn sẵn sàng giường bệnh, cơ sở vật chất, đảm bảo công tác hậu cần, các phương tiện bảo hộ cũng như làm tốt công tác xử lý môi trường, thu gon rác thải y tế, rác thải sinh hoạt...
- Trang cấp thêm thiết bị đo thân nhiệt cho các đơn vị để thực hiện công tác phát hiện nhanh các dấu hiệu dịch bệnh Covid-19;
- Đảm bảo khẩu trang cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch; cung cấp xà phòng rửa tay đảm bảo chất lượng cho nơi cách ly y tế.
5. Cục Hải quan, Bộ đội biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh tại các cửa khẩu, sân bay, không để lọt những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh vào địa bàn. Cần phải xử lý nghiêm minh những trường hợp khai báo y tế không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật.
6. Tại thời điểm hiện tại, cảng Chân Mây sẽ tạm thời không đón các tàu biển cập bến để phòng ngừa dịch cho đến khi có chỉ đạo mới; đề nghị Cảng vụ Hàng hải tỉnh Thừa Thiên Huế có thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan biết.
7. Công an tỉnh rà soát các đoàn công tác từ nước ngoài, nhất là các nước có dịch trở về để có kế hoạch phối hợp với các địa phương và ngành y tế tiến hành công tác giám sát, xử lý theo quy định; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác quản lý cư trú tại các địa phương. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại nơi cách ly y tế.
- Phối hợp ngành y tế, biên phòng giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển, …
- Phối hợp bảo đảm an ninh cho các đối tượng thuộc diện cách ly, tăng cường công tác quản lý lưu trú để phòng, chống dịch.
8. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp Công an tỉnh giám sát chặt chẽ các đối tượng, phương tiện nhập cảnh qua đường cửa khẩu biên giới, đường mòn, lối mở, không để lọt các đối tượng cố tình trốn tránh cách ly. Tăng cường giám sát để phát hiện các trường hợp người nước ngoài đi từ vùng dịch đến địa bàn tỉnh để kịp thời cách ly.
9. Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an tỉnh có phương án giám sát chặt chẽ phương tiện giao thông lưu thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là các tuyến vận tải xe khách, xe buýt, xe trung chuyển; theo dõi chặt chẽ các phương tiện, hành khách đi từ vùng dịch trở về để có cách ứng xử phù hợp nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Triển khai thực hiện các khuyến cáo phòng, chống dịch cho hành khách trên các phương tiện vận tải; thực hiện việc phòng bệnh trên các phương tiện vận tải hành khách.
10. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, UBND các địa phương thông báo đến các cơ sở dịch vụ tập trung đông người như rạp chiếu phim, quán Bar, karaoke, game online, mátxa tạm thời đóng cửa để hạn chế tụ tập đông người, hạn chế nguy cơ dịch bệnh.
11. Sở Du lịch theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19, phối hợp Công an tỉnh chỉ đạo các công ty du lịch, khách sạn, cơ sở lưu trú quản lý, nắm bắt kịp thời thông tin khách đến liên quan Covid-19, lịch trình của du khách và kịp thời thông báo cho các cơ sở y tế hoặc chính quyền nếu phát hiện du khách nghi ngờ mắc bệnh. Chỉ đạo các đơn vị hoạt động du lịch phối hợp với cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly, quản lý du khách ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Theo dõi, tham mưu UBND tỉnh ứng phó với nguy cơ xuất hiện Covid-19 trên động vật nếu có;
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế kiểm soát chặt chẽ việc săn bắt, nuôi nhốt, tiêu thụ động vật hoang dã và các vật nuôi có nguy cơ mang mầm bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, trường hợp phát hiện phải khẩn trương xử lý theo quy định pháp luật. Kiểm tra xử lý nghiêm các điểm buôn bán động vật hoang dã, các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng phát hiện có tác nhân gây bệnh.
13. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3/2020; triển khai chương trình học tập thông qua sóng truyền hình của tỉnh (TRT) cho khối 9 và 12, đồng thời chỉ đạo Phòng giáo dục cấp huyện chủ động nắm lịch chương trình lên sóng truyền hình để triển khai học tập cho học sinh. Trong thời gian học sinh nghỉ học, ngành giáo dục cần có giải pháp bảo quản cơ sở vật chất, hạ tầng trường lớp đảm bảo để đón học sinh khi trở lại đi học.
14. Sở Công Thương chủ trì, chỉ đạo bảo đảm cung ứng đầy đủ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dân. Làm tốt việc cung cấp thông tin hàng hóa, thị trường, diễn biến dịch bệnh đến người dân, giữ ổn định thị trường cho nhân dân, tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ như vừa qua.
Các ngành và các địa phương có phương án cung ứng đủ lương thực, thực phẩm khi có nhu cầu và có biện pháp xử lý nghiêm người cố tình đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
15. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đề nghị các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống dịch hiệu quả.
16. Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu về kinh phí hỗ trợ suất ăn cho các đối tượng cách ly y tế. Đảm bảo kinh phí chi trả phụ cấp chống dịch, phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ, chi cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19 theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
17. Sở Ngoại vụ phối hợp các ngành, địa phương thực hiện công tác ngoại giao, lãnh sự, phiên dịch đối với người nước ngoài.
18. UBND các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương phối hợp thông tin, đề nghị nhân dân chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Người dân không chỉ nâng cao kiến thức về y tế mà cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân, bảo vệ gia đình và cộng đồng.
- Vận động người dân không tụ tập đông người, đặc biệt là tại lễ hội, đám cưới, ma chay...; đặc biệt đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện.
- Các địa phương quán triệt đến tận Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, bản phải đề cao trách nhiệm trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm và kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
19. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân ủng hộ, chủ động và chung tay cùng các cơ quan chức năng tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi tổ chức, doanh nghiệp. Nghiêm cấm việc che dấu, hoặc thông tin không đúng về dịch bệnh./.